Ngoài TP hiện hữu, theo Quyết định 649/TTg ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, TP Huế tương lai được mở rộng về các đô thị phụ trợ, gồm: Thuận An, Bình Điền, Hương Trà và Hương Thủy. Với quy mô dân số đến năm 2030 là 674 ngàn người và đạt khoảng 1 triệu người vào năm 2050, việc điều chỉnh quy hoạch lần này, hứa hẹn sẽ phát triển TP Huế trở thành 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia, trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương, với tư cách là TP Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”. Song, mục tiêu trước mắt vẫn là bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô Huế, xây dựng TP có cơ cấu tổ chức, không gian quy hoạch hợp lý, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng vai trò chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
Đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố
Khởi động dự án từ cuối 2011, sau hơn hai năm, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam và các cơ quan, doanh nghiệp của Hàn Quốc, đặc biệt là Tổ chức KOICA và Liên danh Công ty Dohwa – HanA đã thực hiện thành công Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế, thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tiễn và các hội thảo chuyên ngành, lấy ý kiến các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Trước lễ công bố, Ban quản lý dự án KOICA đã tổ chức hội thảo giới thiệu quy hoạch chung TP Huế tại Hà Nội. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cho các dự án phát triển TP Huế tương lai. Đó cũng là cơ sở tốt để Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư cho TP Huế ở những dự án phát triển sau này.
Cũng như hội thảo tại Hà Nội, lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế được tổ chức sáng 12/6 thu hút sự quan tâm của nhiều quan chức lãnh đạo Trung ương, tỉnh, TP Huế, các ban ngành địa phương và phía Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, Tổ chức KOICA và các công ty tư vấn, giám sát Hàn Quốc. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, các đơn vị, doanh nghiệp của Hàn Quốc và các cơ quan trong nước đã tài trợ, giúp đỡ Thừa Thiên Huế thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế. Đồng chí Nguyễn Văn Cao đánh giá, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị Huế, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của TP Huế trong mối quan hệ phát triển hài hòa với tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án còn giúp Thừa Thiên Huế có cơ sở pháp lý và những định hướng đúng đắn để triển khai các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư nhằm hình thành đô thị trung tâm và thực hiện các điều kiện cần thiết để đưa toàn tỉnh trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương.
Thảo luận tại phòng trưng bày bản đồ điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế sáng 12/6. Ảnh: Hạnh Nhi
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, bên cạnh đô thị hiện hữu, khi mở rộng, TP Huế còn có núi, có sông, có biển, có đầm phá, đồng bằng, vì thế, TP Huế sẽ có nhiều lợi thế để phát triển một cách toàn diện để trở thành thành phố đặc trưng của Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, đồng chí Nguyễn Văn Cao cho biết, ngay sau lễ công bố, tỉnh sẽ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo UBND TP Huế triển khai công bố quy hoạch cho người dân được biết. Tiếp đó là xây dựng, điều chỉnh lại các quy hoạch đã có cho phù hợp với quy hoạch điều chỉnh. Quy hoạch chi tiết từng vùng, từng ngành cụ thể. Sau đó triển khai quy hoạch đến người dân. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là tổ chức quản lý tốt quy hoạch và kêu gọi đầu tư cho các dự án phát triển TP Huế.
Thành phố điển hình, đặc trưng của Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ cũng như với báo giới tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay, là người được giao nhiệm vụ theo dõi dự án nhiều năm nay, ông đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Huế trong việc cùng với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện dự án. Ông Nguyễn Đình Toàn cho rằng, việc triển khai thành công dự án cũng là bước đầu Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị nhằm đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Song, ông Nguyễn Đình Toàn cũng nhấn mạnh rằng, để dự án đạt kết quả tốt nhất, TP Huế cần triển khai các bước tiếp theo một cách quyết liệt và đồng bộ. Chú trọng đầu tiên đó là triển khai quy hoạch phân khu đối với 4 đô thị phụ trợ. Theo ông Nguyễn Đình Toàn, TP Huế sau khi quy hoạch điều chỉnh mở rộng có diện tích 348km2 là lớn hơn nhiều so với TP cũ (gấp 4,97 lần). Song, so với các TP khác như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, thì diện tích này chưa phải là lớn. Vì thế, khi tiến hành quy hoạch phân khu, cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không nên chia nhỏ ra nhiều vùng, mà nên phân ra 2-3 phân khu để tránh chồng chéo và đỡ tốn kém kinh phí Nhà nước.
Khi được hỏi về chất lượng đồ án điều chỉnh và dự báo kết quả sau khi triển khai thực tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn không chần chừ mà trả lời ngay: “Đồ án có chất lượng, thể hiện tốt sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong và ngoài nước. Các quy hoạch cũng thực hiện tốt, dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ thực tế”. Ông Toàn còn cho hay, dù đọc đi đọc lại nhiều lần, song ông không hề thấy chán với đồ án, mà mỗi lần đọc ông còn hiểu thêm nhiều điều về Huế, về các quy hoạch. Ông Toàn mong muốn Tổ chức KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Huế triển khai tốt dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương để triển khai dự án thí điểm trong thời gian tới. Nếu triển khai tốt quy hoạch điều chỉnh, TP Huế sẽ là TP điển hình, đặc trưng của Việt Nam, là 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia.
Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh
Theo ông Kim Sik Huyn, quyền Trưởng đại diện Văn phòng Thường trú KOICA tại Việt Nam, đơn vị tài trợ không hoàn lại 3,5 triệu USD để thực hiện dự án, sở dĩ Tổ chức KOICA chọn Huế để hỗ trợ triển khai dự án điều chỉnh quy hoạch TP Huế là bởi ở đất nước của ông cũng có Cố đô Gyeongju, với những di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận như TP Huế. Vì thế, không có lí do gì để Hàn Quốc không chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam, giữa Gyeongju với TP Huế. Việt Nam có nhiều TP đã và đang phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, riêng Huế, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, chắc chắn nếu quy hoạch đúng hướng cũng sẽ phát triển không thua kém gì các TP lớn. Song, Huế sẽ phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chứ không đô thị hóa hoàn toàn như một số TP lớn khác. Đây cũng là vấn đề mà phía KOICA rất quan tâm. “Tổ chức KOICA đã và đang hõ trợ chiến lược tăng trưởng xanh, lấy mục tiêu tăng trưởng xanh làm trọng tâm. Sắp tới, Tổ chức KOICA sẽ hỗ trợ TP Huế quy hoạch hai bên bờ sông Hương cũng là vì mục đích này, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh bền vững. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ nước các bạn đang quan tâm và xây dựng chiến lược phát triển”, ông Kim Sik Huyn nhấn mạnh.
Theo Tâm Huệ (Báo Thừa Thiên Huế)