Cứ mỗi lần về thăm quê, tôi rất thích đi chợ Đông ba, không vì để shopping mà để nghe giọng Huế. Hễ đi vào chợ là tràn ngập những âm thanh quen thuộc; trên đầu, dưới chân, bên phải, bên trái đâu đâu tôi cũng nghe những tiếng nói yêu thương, tiếng nói “ấm trầm mà sâu lắng lạ”.
Xem ngay kinh nghiệm du lịch Huế 2022 tại https://dulichkhatvongviet.com/kinh-nghiem-du-lich-hue/
Cũng vì giọng Huế “rặt” không pha trộn mà tôi hay bị bạn bè chọc là “nói chi mà trọ trẹ rứa” hoặc “sao nói chi mà nghe mùi mắm ruốc vậy”. Nhiều khi vui nhậu cùng thân hữu, tôi nghêu ngao sửa lời bài hát của Phạm Duy:
“Tôi yêu tiếng Huế tôi, từ khi mới ra đời…”
Mỗi tỉnh cách, mỗi miền đều có tiếng nói riêng mà nhiều khi người ta choảng nhau cũng vì nhại giọng, “chửi cha không bằng pha tiếng” là vậy.
Do sự biến âm hoặc phát âm mà đôi khi tiếng Huế mang lại cho người ngoại tỉnh nhiều nhận xét thú vị. Phải nói Huế là đất thần kinh, xứ sở của học hành thi cử nên từ xa xưa người Huế đã rất yêu thích đọc thơ, thích làm thơ và do vậy giọng nói nhiều khi cũng trầm bỗng như thơ.
Một người bạn tôi ở trong Nam, một lần ra công tác ở Huế, anh đã chứng kiến sự đối đáp của một bà già bán quán tạp hóa và một bé gái độ mười tuổi. Em bé mang một cái chén và nói với bà chủ quán:
– Mụ ơi, bán cho con năm đồng nước mắm!
Giọng nói vút lên bỗng xuống trầm cũa em bé khiến bà bán quán phì cười:
– Tổ cha mi, rứa mà cũng làm thơ.
Anh bạn cho rằng bà già bán quán nói cũng hay. Cũng có lẽ vì cái giọng thơ, cái giọng ngọt ngào và trầm ấm đó mà ngày xưa mấy anh học trò xứ Quảng ra Huế thi đã liêu xiêu đôi chân khi gặp người con gái Huế:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế, chân đi không rời.
Thế nhưng tiếng Huế cũng đôi khi tạo ra cho người xứ khác những hiểu lầm dẫn đến những trận cười vui vẽ. Chẳng hạn, người Huế khi phát âm những tiếng có dấu hỏi (̉ )hay dấu sắc (’) thì người khác tỉnh thường nghe ra là dấu nặng (.). Xin được kể lại 3 câu chuyện sau đây:
Chuyện thứ nhất:
Có một anh chủ tịch phường người Huế, ở miệt Phú Vang gì đó. Có hôm họp liên tịch ở phường, một thành viên dự họp hầu hết là người Quảng, người Nam hay Bắc. Theo thường lệ, anh chủ tịch phường đứng dậy điểm danh. Anh hỏi :
– Bên chị em phụ nữ đủ chưa?
Dưới hội trường, mọi người cười cái rần. Khi ấy, anh chủ tịch không hiểu gì cả, lại tiếp tục điểm danh:
– Mấy bác nông dân đủ chưa?
Mọi người tham dự cười ngặt nghẽo. Nhưng anh chủ tịch ngơ ngác cũng cười theo.
Khi tan họp, anh hỏi một bác người Quảng trong hội nông dân:
– Răng hồi nảy tôi điểm danh, mọi người lại cười vậy?
Bác nông dân vỗ lưng anh chủ tịch, rồi cười nói:
– Eng nói lọa rứa. Đủ chưa thì nói đủ chưa, cứ nặng rứa, ai mòa không cười.
Chuyện thứ hai:
Một người Nhật đi tìm tổ tiên cội nguồn của mình. Anh đi khắp thế giới tìm nhưng vô vọng. Cuối cùng khi đi trên chuyến tàu lửa Thống Nhất dọc Việt Nam, tàu gần đến ga Huế, Anh nghe người ta nói chuyện:
– Ga ni ga chi ri o ?
– Ga ni : Nam Ô.
– Răng mà đông ri.
– Ri mà đông chi.
– Mi đi mô ? mi hỏi ga ni.
– Đi ga Lăng Cô.
– Khi mô mi đi ?
– Chừ chớ khi mô.
– Ga tê ga chi ?
– Tê ga Lăng Cô.
– Tui ra ga ni.
– Ga chi (?) như ri.
– Ga ni (!) rứa hí.
– Ga như ri răng mi ra đi.
– Mi lo đi đi.
– O đi ga mô ?
– Tau đi ga tê.
– Tui đi nghe o !
Anh mừng rỡ reo lên “Đây chính là tổ tiên của người Nhật!”
Chuyện thứ ba:
Một anh người Huế vào Sài gòn thăm người con đang học đại học. Khi đang loay hoay tìm đường thì gặp một đồng chí cảnh sát giao thông đi đến.
Anh mừng rỡ hỏi:
– Đường ni là đường mô ri eng?
Đồng chí cảnh sát lắc đầu nói:
– Đường này không phải là đường Mô-ri-en mà đường Nguyễn Huệ.
Anh người Huế nghe ra, cười khà khà khà …
Tiếng Huế của tôi là vậy; khi dịu dàng, khi trầm ấm, khi mượt mà như thơ mà đôi khi cũng tạo cho người nghe khác tỉnh những cảm nhận thích thú và trào lộng, một sự trào lộng rất dễ thương.
Ôi tiếng Huế của tôi!
Kênh du lịch Huế theo donghuongdienhai.com