Sắc tím Huế thương

Khi người khách cuối cùng rời Hoàng cung, cửa Ngọ Môn khép lại cũng là lúc những hướng dẫn viên như tôi rời Đại Nội trong hoàng hôn buông xuống một cõi lầu son gác tía. Dãy trường thành sẫm tím trầm ngâm bên Hộ Thành hào với hàng hoa sứ trắng.

Bên kia sông, màu vôi hồng của nôn nao buổi học cũng ngả tím sau lúc tan trường. Và dòng sông hoàng hôn, mặt trời khuất dần sau rặng núi xa xa, chiếu ánh nắng luyến lưu xuống núi đồi, cây cỏ làm cho sắc tím loang dần trên mặt sông tĩnh lặng, để hoà với đền đài, trường học, cỏ cây xứ Huế thành một màu tím ngát mịn màng.

Không biết từ bao giờ màu tím ấy đã trở thành màu chủ đạo trong phổ hệ màu vùng Huế và cũng không rõ từ đâu mà màu của sông nước, cỏ cây, đất trời ấy lại trở thành màu áo nữ sinh ngày xưa và của chúng tôi bây giờ.

Tài liệu lưu truyền, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam khởi phát từ đất Huế – Phú Xuân khi giữa thế kỷ 18, chúa Võ Vương muốn thay đổi trang phục của người dân để tạo nên vẻ đẹp mới dưới vương triều. Triều thần Phú Xuân đã kết hợp giữa chiếc áo dài của phụ nữ vùng đất mới Chăm-pa ở Đàng Trong với chiếc áo tứ thân miền Bắc nơi cố quận Đàng Ngoài để tạo nên chiếc áo dài mới mang vẻ đẹp của hai miền Nam – Bắc. Khởi phát từ Huế nhưng áo dài hội tụ được vẻ đẹp của ba miền đất nước để trở thành tài sản chung của cả dân tộc.

Sắc tím Huế thương

Tìm hiểu tour du lịch Huế 2022 giá rẻ tại https://dulichkhatvongviet.com/du-lich-trong-nuoc/du-lich-hue/

Chuyện cũ kể rằng, khoảng thời gian thập niên 30, áo dài màu tím là đồng phục của nữ sinh trung học Đồng Khánh Huế và nhanh chóng trở thành mẩu thời trang xứ Huế. Có phải màu thiên nhiên nơi đây đã nhuộm tím chiếc áo nữ sinh trong hoàng hôn qua cầu Trường Tiền và bến đò Thừa Phủ. Hay như khúc Nam Ai vương cung bậc buồn thương của Chiêm Thành, áo dài nơi đây nhuộm một màu tím ngát bởi những chiêm nương xưa trên vùng Ô Rí cũng ưa thích một màu tím hoang sơ.

Một chiều lang thang trên dòng Hương Giang, tôi gặp một tà áo tím. Tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong gió xương. Tà áo tím sao vấn vương. Rồi lòng tôi mơ theo tà áo ấy, tà áo tím hôm nào, tình quyến luyến ban đầu để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao (Ca khúc Màu áo tím của Hoàng Nguyên).

Thời gian, chiến tranh, sự ngộ nhận trước điều ngỡ là mới mẻ ít nhiều làm cho màu tím ấy phôi pha. Nữ sinh Đồng Khánh Huế trở về màu áo trắng ngày thường, áo dài xanh thẳm ngày miền và rồi khi trường học đổi tên thì áo dài trắng đã vắng giữa sân trường, áo dài tím chỉ còn là hoài niệm.

Sắc tím Huế thương

Tuy nhiên, thiên nhiên Huế muôn đời vẫn thế và dòng chảy văn hóa Huế vẫn âm thầm bạo liệt để một ngày áo dài trắng nữ sinh và tà áo tím xưa trở lại.

Tôi cũng đã ba lần nôn nao trước tà áo ấy và màu tím ấy.

Lần đầu tiên mặc chiếc áo dài trắng nữ sinh bước lên chiếc xe đò Từ Đàm qua nhiều đồi dốc quanh quanh để đến trường vôi tím, tôi cũng như cậu học trò nhỏ ngày xưa một sớm mai đầy sương thu và gió lạnh hoang mang theo mẹ đến trường trên con đường làng dài và hẹp trong áng văn của Thanh Tịnh. Các nàng áo trắng từ Long Thọ về, Vỹ Dạ lên, An Lăng xuống, Thành Nội qua cũng mang tâm trạng như tôi ngày đầu tiên làm nữ sinh Đồng Khánh Huế để rồi cùng vỡ oà niềm vui giữa sân trường vôi tím.

Lần thứ hai, tôi cũng như bao người con gái khác, hẳn ai cũng miên man khi một ăn vận chiếc áo dài ngày hôn lễ sang ngang về nhà chồng để lại sau lưng quãng đời hồn nhiên và thơ ngây của tuổi học. Chiếc áo cưới hồng một màu Hạnh phúc nôn nao với bao điều xa lạ của cuộc sống mới giao hoà.

Sắc tím Huế thương

Lần này nữa, dù đã qua bao màu áo nhưng tôi cũng nôn nao khi lần đầu tiên với chiếc áo đài tím Huế đưa đu khách đi thăm đền đài, lăng tẩm của đất cố đô.

Không ai nhớ từ đâu mà giữa thập niên 90 đã xuất hiện lại những tà áo dài tím ngát ấy. Có thể là những cựu nữ sinh Đồng Khánh năm xưa đã mang chiếc áo dài tím năm nào về dự lễ kỷ niệm 75 năm và 80 năm Đồng Khánh – Hai Bà Trưng (1992, 1997). Và có lẽ từ thiên nhiên và văn hóa quế đang hồi sinh để màu tím hoàng hôn trở lại. Có điều sau đó hàng chục nữ hướng dẫn viên của

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là những người đầu tiên đón nhận màu tím ấy. Màu tím đi vào nhịp sống đô thị nhiều cung bậc nhưng kén chọn và thuỷ chung vì màu tím Huế không tuỳ tiện, dễ dãi với bất cứ không gian nào.

Chiếc áo dài của thiếu nữ Việt Nam càng duyên hơn khi đi cùng nón lá che đầu.

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón

Trời mùa thu mây che có nắng đâu

(Nghiêng nón – Trần Quang Long)

Nữ sinh nói riêng và giới nữ nói chung dù vẫn còn tà áo dài nhưng đã rời xa nón lá. Bây giờ áo dài đi cùng nón lá hằng ngày chỉ còn tìm thấy ở khuôn viên di tích Huế, nơi những con người giữ bóng thời gian. Dải nón nhẹ nâng cầm hay kẹp tóc cho gió thôi bay cũng mang màu tím Huế.

Màu sắc thiên nhiên phần nào nói lên bản sắc của một vùng đất cũng như trang phục và màu áo phản ảnh tính chất và công việc mỗi người.

Sắc tím Huế thương

Không hẹn mà gặp và cũng không ai qui định nhưng áo dài tím Huế bây giờ đã trở thành màu áo chủ đạo của đội ngũ nữ hướng dẫn viên ngày ngày đưa du khách đến thăm các di tích cố đô. Màu tím ngát mịn màng của hoàng hôn, sông nước, cỏ cây xứ Huế tương thích với kiến trúc lăng tẩm, đền đài, cổ tự, danh lam khi các kiến trúc nơi đây đều hài hoà với thiên nhiên xứ Huế. Sáng chiều giữa di tích Huế, các hướng dẫn viên với tà áo tím và nón bài thơ toả đi khắp nơi đã tạo nên một nét mới trong văn hóa du lịch vùng đất này. Các đoàn khách thường đề nghị cô hướng dẫn mặc áo dài tím Huế khi hướng dẫn hoặc ít ra cũng mặc một lần trong nhiều buổi tham quan Huế. Không may giữa rừng áo tím một sớm mai, một hường dẫn viên mang màu áo khác sẽ cảm thấy mình lạc lõng giữa các đồng nghiệp và xa lạ ngay với chính đoàn khách mà mình đang hướng dẫn.

Áo dài tím đã trở thành thông điệp của văn hóa học với du khách gần xa. Áo dài tím trang nhã mà kín đảo, gần gũi nhưng không hòa nhập như chức năng của người hường dẫn đối với khách tham quan. Du khách có thể giao hoà, cùng đệm hò với nghệ sĩ trong một đêm ca Huế trên sông, có thể hòa tan cùng hát với ca sĩ trên sân khấu đèn màu nhưng giữa người hướng dẫn và khách tham quan có một khoảng cách nhất định, giữa lòng di tích chỉ có quá khứ và hiện tại, chỉ có giá trị di sản và khách tham quan mà người hướng dẫn là chiếc cầu nối giữa đôi bờ đó. Áo dài tím Huế gần mà xa là thế.

Màu tím Huế đã phục hưng trong đời sống hôm nay. Có một hội trại của thanh niên trên vùng gò đồi Tây Nam Huế đã dành một buổi để mọi người trèo núi Bãng Lãng ngắm hoàng hôn tím Huế. Ngũ sắc Huế là lục, xanh, đỏ, tím, vàng trên hệ thống chiếu sáng cầu Trường Tiền về đêm – màu tím ngát, tím rịm lòng người không chỉ là du khách muôn nơi mà chính cả lòng người cố xứ. Mỗi dịp về đêm qua cầu Trường Tiền ngũ sắc luân phiên, tôi lại điều chỉnh tốc độ xe để làm sao được đi giữa Trường Tiền tím ngát.

theo Yume

Có thể bạn quan tâm: