Bùi ngùi cổng ngõ Huế

Du khách đến Huế, dường như ít ai chú ý đến những phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa nằm xen giữa phố thị đông đúc hoặc lẩn khuất nơi thôn dã, ngoại ô. Những bức tường rêu phong và những cánh cửa đóng kín, như che đậy một thế giới riêng tư.

 

 

Cổng ngõ một nhà thờ cổ ở làng Phổ Tây xã Phú Thượng huyện Phú Vang.

Từ khi các thành viên hoàng gia nhà Nguyễn ra khỏi cung cấm, xây dựng phủ đệ ở mọi nơi, khoảng cách giữa thường dân với các bậc quyền quý phần nào được khỏa lấp. Ảnh hưởng văn hóa cung đình cũng theo đó mà lan tỏa trong dân gian. Những vùng đất thanh bình Bến Ngự, An Cựu, Kim Long, Vỹ Dạ, Gia Hội… là nơi được nhiều “danh gia vọng tộc” đến lưu trú thời Nguyễn. Phủ đệ là cơ nghiệp riêng do các ông hoàng, bà chúa tự lập nên, tùy theo chức tước và bổng lộc của chủ nhân, phủ đệ lớn hay nhỏ, đường bệ hay khiêm tốn.

Nhìn chung, các phủ đệ và dinh thự đều chỉ có 1 cửa kiểu “nhất khẩu”, bố trí ở vị trí trung tâm mặt chính diện (đôi khi cũng bố trí lệch về một bên, thậm chí ở đàng sau). Một số phủ đệ, dinh thự mà chủ nhân có uy quyền lớn mới được mở 3 cửa kiểu “tam khẩu”, dàn ngang ở mặt trước hoặc bố trí 1 cửa chính ở mặt trước và 2 cửa hông ở 2 bên, như công đường của Lục Bộ, Cơ Mật Viện, phủ Tùng Thiện Vương ở Vỹ Dạ…


Cổng phủ Tôn Thất Thuyết, đại thần thời Nguyễn ở làng Vân Thê xã Thủy Vân thị xã Hương Thủy.

Hình thức của cổng các phủ đệ, dinh thự cũng khá đa dạng, có loại hình “tam quan-môn lâu” bề thế, được trang trí rất công phu như cửa đền thờ Kiên Thái Vương, cửa phủ Tuy Lý Vương, cửa đền thờ quốc công Phạm Đăng Hưng, cửa đền thờ Diên Phước Trưởng Công Chúa, cửa chính Cơ Mật Viện..Nhưng cũng có cổng được làm theo lối cửa “vòm nguyệt môn”, không trang trí. Thậm chí có một số cổng nhà chỉ là 2 chiếc trụ bằng gạch thật đơn giản, trên gắn đôi búp sen hoặc cặp lân gốm. Các cổng ngõ phủ đệ, dinh thự ngày xưa phần lớn xây bằng gạch. Một số ít được làm bằng gỗ, hay kết hợp cả gỗ và gạch, ngói, thường được tạo dáng công phu, hình thức trang nhã.


Cổng ngõ một nhà vườn ở chợ Phổ xã Phú Thượng huyện Phú Vang.

Vấn đề phong thủy vốn rất được người Huế coi trọng khi xây dựng cổng ngõ. Ngay trong dân gian, đối với chuyện làm nhà ở, nhà thờ, dù quy mô lớn hay nhỏ, thì việc mở cửa ngõ rộng hẹp hay làm cổng/cửa như thế nào, vị trí nên đặt ở đâu, cũng là điều hết sức hệ trọng, đối với kiến trúc phủ đệ, dinh thự điều này lại càng có ý nghĩa thiết yếu. Người Huế quan niệm cổng ngõ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh, tồn vong của gia đình.

Nay thời hoàng kim không còn nữa, khi phủ đệ hư hỏng, một số không nhỏ chủ nhân không có tiền sửa chữa, thậm chí phải bán đi. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, đôi nơi lấy tường cao, cửa kín để che giấu sự nghèo khó trước những con mắt soi mói của hàng xóm, láng giềng.


Cổng ngõ một nhà thờ ở thôn Tây Trì Nhơn xã Phú Thượng huyện Phú Vang.

Dần dần, thế giới trầm lắng, luôn ẩn khuất đằng sau các cổng ngõ ấy đang lần mở ra trong lòng xứ Huế đương đại. Bây giờ, du khách mới thấy Huế vẫn còn biết bao điều kỳ thú cần phải khám phá, ẩn giấu sau cánh cửa phủ đệ. Thế giới trầm mặc đằng sau các cổng ngõ hàng trăm năm tuổi trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Từ năm 1990 trở lại đây, cơn lốc “đô thị hóa” tàn phá dữ dội những ngôi nhà cổ xứ Huế, không khác gì thiên tai: bão lụt hàng năm. Việc “chảy máu” nhà cổ vẫn diễn biến âm thầm, khốc liệt. Nhà cổ mất đi, cổng ngõ của chúng cũng chịu chung số phận. Không có một thống kê chính xác đã mất bao nhiêu nhà cổ hàng năm, nhưng chắc chắn phải đến 80%!


Cổng ngõ một nhà vườn ở làng Chiết Bi xã Phú Mỹ huyện Phú Vang.

Song, trong những ngôi làng nhỏ xinh nằm ven thành phố Huế, chỉ vài cổng ngõ của nhà vườn cổ hiếm hoi còn lại, cũng đủ khiến chúng tôi ngất ngây với khung cảnh…

 

Vũ Hảo (Thể thao Tp HCM)

 

Có thể bạn quan tâm: