“Tết Mồng Năm” (Tết Đoan ngọ) còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Vào một ngày sau vụ mùa nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi bỏ chạy. Lão ông còn bảo thêm: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta dặn thì sẽ xua đuổi được chúng”. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Thịt vịt nước mắm gừng, món ăn không thể thiếu trong ngày tết mồng 5.[/caption] Xuất phát từ Trung Hoa, nó gắn liền với cái chết của vị đại thần và là nhà văn hóa lớn nước Sở tên là Khuất Nguyên, buồn đau vì đất nước suy vong đã tìm cách can ngăn vua Sở nhưng không thành nên uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn đúng vào mồng 5 tháng 5 âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm lễ cúng Khuất Nguyên. Nó có vẻ xa lạ với người Việt Nam ta nên dân gian vẫn thích dùng bằng cái tên Tết Mồng Năm, dễ hiểu và cũng dễ nhớ nhất và đó là một cái tết với những khám phá đầy bất ngờ và thú vị. Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày tết Đoan ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang. Nét văn hóa riêng của Cố đô Huế Đầu tiên là chuyện lễ tết, trong Tết Đoan Ngọ, người xứ Huế còn có một phong tục không kém phần đặc sắc đó là “Tết sui gia”. Bởi người xứ Huế cho rằng “Sui gia là bà con Tiên”. Nhà trai trong dịp này thường sắm lễ vật đến tặng nhà gái gồm nếp, đậu xanh… và quan trọng không thể thiếu là một cặp vịt. Thường thì nhà gái chỉ nhận một nửa, còn một nửa biếu lại nhà trai như là thể hiện sự chia ngọt sẻ bùi, kết nối tình thâm giao thắm thiết giữa hai nhà. Đây cũng là dịp để chàng rể ra mắt gia đình vợ, xem thử có biết cắt tiết, nhổ lông vịt hay sắp dọn một mâm cỗ cúng hay không.
Người xưa có câu” Mồng năm bánh tráng chè kê”.
Tết Đoan Ngọ ở xứ Huế còn đặc sắc bởi các món ăn, là thức cúng gia tiên trong ngày tết này. Có ba món không thể thiếu trong dịp này là thịt vịt, chè kê, bánh tráng nướng. Dịp Tết Đoan Ngọ, vịt được người dân Huế chế biến thành nhiều món, như vịt luộc chấm nước mắm gừng, bún măng vịt, cháo vịt… Nhưng phổ biến nhất vẫn là vịt luộc chấm nước mắm gừng ăn kèm rau sống. Sự kết hợp của món ăn này vô cùng hợp lí và hấp dẫn. “Vịt Mồng Năm” đã trở thành đặc sản của xứ Huế, đây là thời điểm “chạy đồng” nên vịt có thịt chắc ngọt. Cũng do ruộng lúa vừa mới gặt xong, thóc lúa rơi vãi cùng các loại tôm cá, côn trùng dồi dào nên thịt vịt thơm ngon và béo mập. Chè kê cũng là món đồ ăn không thể thiếu được của người dân Cố đô. Hạt kê dùng để nấu chè mồng 5 phải được lựa chọn từ giống kê nếp, hạt kê phải được làm sạch vỏ, ngâm nước ấm cho hạt nở đều rồi mới đồ cho đến lúc chín nhừ thì thêm đường cát hay đường phèn và gừng giã nhỏ, khi ăn mới có vị ngọt thanh hấp dẫn.
Vào chính Ngọ, người dân Huế còn có phong tục đi hái lá mùng 5. Họ hái những loại lá người dân quen dùng thường ngày, mỗi thứ một ít mang về rửa sạch phơi khô để dùng làm thuốc, hay đun làm nước uống. Bởi họ tin rằng lá Mồng Năm sẽ chữa được” bách bệnh”. Theo quan niệm người xưa, bất kỳ loại lá nào được hái đúng vào giờ ngọ mồng 5 tháng 5 đều là thuốc cả. Bởi lẽ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ này có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, âm hư. Trên thực tế, những loại lá này thường được bán sẵn ngoài chợ, đến giờ Ngọ người dân mua về với ý niệm chỉ để lấy may là chính.
Tục phơi lá vào trưa ngày Tết Đoan ngọ.
Còn có tập tục lạ, nghi thức rửa mặt nhỏ nước chanh. Để tiến hành nghi thức này, mỗi gia đình đều dùng một chiếc chậu (còn gọi là thau) sạch, bên trong có nước sạch rồi bỏ vào đó ít lát chanh tươi, mang phơi nắng rồi chờ lúc chính Ngọ thì rửa mặt cho mọi thành viên trong gia đình bằng nước này. Sau đó ngẩng mặt lên phía mặt trời điểm một giọt nước chanh vào mắt, dù rác đến chảy nước mắt nhưng ai cũng vui vì tin rằng con người sẽ khỏe mạnh, mắt sẽ sáng và không bị các bệnh về mắt.
Ngày nay, một số phong tục cổ truyền này có phần bị mai một, có thể biến tướng nhưng những tập tục tốt đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân Cố đô Huế lưu giữ như một nét đẹp văn hóa của đất Thần Kinh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Hữu Tin
www.congluan.vn