Thăm chợ Đông Ba

Cuộc sống tất bật với bao công việc bộn bề nhưng thói quen đi chợ sớm vẫn hiện diện trong đời sống của phụ nữ Huế. Chợ Đông Ba được xem là nơi đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân Huế mà chưa chắc các siêu thị lớn, nhỏ trong thành phố có được. Còn đối với du khách, nhiều người ví von “chưa vào chợ Đông Ba có nghĩa là chưa đến Huế”.

Phong phú các mặc hàng rau củ quả, cau trầu được bày bán tại chợ Đông Ba 

 

Nếu tính cả “tiền thân” của chợ Đông Ba thời còn mang tên “Qui giả thị”, được lập vào đầu triều Gia Long (1802 – 1820), đến nay ngôi chợ này ngót nghét hơn 200 năm. Còn chỉ tính cái mốc 1899, thời điểm vua Thành Thái cho xây dựng lại chợ thì chợ đã 114 năm. Chợ Đông Ba là một trung tâm thương mại lớn của thành phố Huế phục vụ thương mại cho dân cư trên địa bàn thành phố và du khách thập phương. Chợ có diện tích trên 22.700m2 với hơn 2.700 lô hàng lớn nhỏ, hơn 85 ngành hàng, từ mặt hàng cao cấp đến mặt hàng bình dân. Chợ Đông Ba đang được đề cử là một trong “top 5” chợ đặc trưng ba miền được nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất. Mỗi ngày lượng du khách và người mua bán đến chợ lên tới trên 5.000 – 7.000 người.

 
Khách phương xa đến Huế bị níu chân bởi tận mắt chứng kiến một làng nghề thu nhỏ, thể hiện sâu sắc các giá trị văn hóa của thành phố di sản được UNESCO công nhận. Những tinh tuý văn hoá vật chất của các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên – Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba: nón lá Phủ Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, đúc đồng Phường Đúc, gốm Phước Tích, đan lát ở Bao La, Dạ Lê, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình… Đến chợ, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy tất cả những đặc sản xứ Huế từ mè xửng, chè tim sen, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh Tâm…  
 
Với người dân Huế, chợ Đông Ba là niềm tự hào khi còn lưu giữ độc quyền những giá trị truyền thống, những biểu tượng của vùng văn hóa Huế. Các bà, các chị gắn bó gần như cả đời với công việc buôn bán ở chợ nên đã rất khéo léo trong việc trưng bày hàng hóa đẹp mắt, phong phú, giá cả niêm yết rõ ràng, chất lượng nguồn gốc hàng hóa đảm bảo… tạo cảm giác chu đáo, cẩn thận và ngăn nắp mang đậm bản sắc của phụ nữ Huế. Trong những ngày diễn ra Festival Huế, tiểu thương mặc áo dài buôn bán, tạo nên một không gian mua sắm, tham quan vừa truyền thống, vừa hiện đại. 
 

Nón lá chợ Đông Ba
 
Thú vui của nhiều người Huế, nhất là các bà, các chị đứng tuổi thức dậy thật sớm, chen lấn, mặc cả, tự mình làm các món nhắm như thịt dầm, kim chi và đặc biệt là dưa món – thứ không thể thiếu trong Tết Huế. Người Huế đi xa về quê ăn Tết, ghé vào chợ Đông Ba muốn tìm lại ký ức tuổi thơ khi nơi đây vẫn mang dáng dấp của một trung tâm thương mại nhưng  “hồn xưa, dấu cũ” của một chợ quê trong khi thực tế đã có rất nhiều những phiên chợ mà giá trị của nó đã phai nhạt. Nhiều người thích cảm giác lọt thỏm trong những gian hàng đầy ắp hàng hóa liền kề nhau, màu sắc sặc sỡ thỏa sức chọn lựa. Ngày trước, dường như người ta tự làm tất cả các món ăn mặn, ngọt, chay tịnh… mà không phải mua thứ gì. Xứ Huế có hàng trăm món ăn, mặn thì có bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem tré, kim chi chuối chát, hành muối, kiệu chua… Ngọt thì đủ loại mứt bánh, mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cốc, mứt xoài, bánh in, bánh thuẫn, bánh dẽo, bánh bó, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía… Các loại đặc sản từ cua, tôm Tân Mỹ, đến cá, mực Thuận An, sò huyết Lăng Cô. Kỳ công hơn có nước mắm ruốc ăn ngon nhức răng của Hải Dương, Tài Hà, nước ớt của Cự Lại cay xé lưỡi, mắm tôm Phước Lộc, mắm sò Lăng Cô, mắm cá ngừ, cá cơm Cự Lại…những món ăn được người Huế yêu thích. 
 
Sức hấp dẫn khi đến chợ Đông Ba là mặt hàng nào cũng có, không chỉ đặc sản của miền đất cố đô mà cả những vùng miền khác trong cả nước. Phong phú về mặt hàng đã đành, lý do khiến nhiều người Huế chọn Đông Ba để mua sắm mà không phải hệ thống siêu thị hay các chợ lớn nhỏ khác, đơn giản bởi chất lượng, giá cả đủ loại. Từ những sản phẩm hàng hiệu, đẹp mắt đến hàng chợ bình dân phù hợp với túi tiền của mọi người tiêu dùng. Du khách nước ngoài đến Huế, thường tìm cách đến đây tham quan, tìm hiểu cuộc sống dân dã, thưởng thức các món ăn đậm chất Huế.
Báo Đại Đoàn Kết

Có thể bạn quan tâm: