Ngày 2/2/1889, Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu là Thành Thái, chính thức trở thành vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Khi nhắc đến Thành Thái, người ta nghĩ ngay đến một ông vua yêu nước, dung dị; một cựu hoàng có cuộc sống khắc khổ khi bị lưu đày – trái ngược với vua Hàm Nghi. Đồng thời, những câu chuyện hậu cung vua Thành Thái cũng rất hấp dẫn, li kì.
Hai người vợ của vua Thành Thái (Trái)
Phận đắng của Dương Thị Ngọt
Dương Thị Ngọt xuất thân từ thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Bà là con gái của Dương Quang Xứng, vị quan nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương như chức Thái Bộ Tư khoanh rồi đến Bố Chánh tỉnh Khánh Hòa. Tương truyền, bất cứ được nhận nhiệm vụ ở đâu, làm gì ông Dương Quang Xứng luôn mang người con gái yêu đi theo. Nhờ nhan sắc hơn người nên bà đã lọt vào mắt rồng, và chính thức trở thành phi tần thứ chín của vua Thành Thái.
Từ thời Minh Mạng, vị vua này đã quy định các phi tần trong Hậu cung vua Nguyễn được sắp xếp theo 9 bậc thứ tự, trong đó có: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tần, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân và cửu giai tài nhân. Đến đời Thành Thái, quy chế này vẫn được duy trì và Dương Thị Ngọt ứng với vị trí “cửu giai tài nhân”. Theo đó, bà được hưởng lương 180 quan tiền cùng với 48 vuông gạo.
Vốn được vua sủng ái, nhưng cuộc đời bà lại kết thúc trong bi thảm, nguyên nhân là do đâu? Có hai cách giải thích cho cái chết của bà Dương Thị Ngọt.
Hậu cung vốn là nơi đấu đá khốc liệt để tranh sủng, việc bà Ngọt được vua yêu chiều đã khiến các phi tần khác ghen ghét. Vua Thành Thái vốn là người có tư tưởng tiến bộ, ông mặc Âu phục, để tóc ngắn. Tương truyền, trong một lần vua Thành Thái cắt tóc ngắn, các “tình địch” trong cung đánh lừa để cắt mất của bà Ngọt một nắm tóc (chuyện cấm kỵ thời phong kiến), rồi tìm cách báo đến tai vua. Thấy vậy, vua Thành Thái gán bà vào tội khi quân nên đã cho xử trảm. Tuy nhiên, giai thoại này không thực sự hợp lí bởi Thành Thái là vị vua có sự tiếp thu của văn minh phương Tây.
Ngoài ra, theo nguồn tin của ông Dương Quang Diêu, cháu họ của bà Ngọt ở đời thứ 3 thì phi tần Dương Thị Ngọt mắc tội chết từ vạ miệng. Cũng là trong ngày Thành Thái cắt tóc, sau khi xong xuôi, vua dạo một lượt qua các bà phi, xem ý các bà thế nào. Bà nào bà nấy đều khen đẹp, riêng bà Dương Thị Ngọt chẳng những không khen lại còn nói thẳng thừng: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Mất thể diện, Thành Thái ra lệnh đem bỏ bà Ngọt vào nấu trong vạc dầu.
Mộ vua Thành Thái
Nguồn cơn chính xác vẫn chưa được sáng tỏ nhưng có lẽ nguyên nhân liên quan đến việc bà Ngọt phạm trọng tội khi quân phạm thượng. Có lẽ niềm an ủi với bà Ngọt và gia quyến chính là việc nhà vua vẫn cho tiến hành lễ tang bà theo đúng nghi lễ triều đình, xứng đáng với địa vị của một hoàng phi.
Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi cập bến Ô Lâu, nơi bà sinh ra và lớn lên trước khi vào chốn thâm cung. Lăng mộ của bà được xây cất rất chu đáo, cùng dòng chữ khắc trên bia mộ: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy Thục Thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”, tức Lăng của bà phi họ Dương, bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thụy là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13. Sau khi lăng được hoàn thiện, Thành Thái cử bốn người từ phu túc trực trông coi lăng bà, đồng thời được nhà vua cấp phát ruộng đất và không phải đóng bất cứ loại sưu thuế nào đến trọn đời.
Tình duyên cô gái lái đò hay Huyền phi?
Nhắc đến tình sử của vua Thành Thái, dân gian vẫn có câu: “Kim Long có gái mỹ miều – Trẫm thương, trẫm quý, trẫm liều trẫm đi”. Vua Thành Thái rất thích đi vi hành. Trong một lần vào dịp Tết Nguyên Đán, vua mặc áo thường dân, ngao du, thăm thú vùng đất Kim Long. Trên đường ra về, khi đò vừa ghé vào, bước lên bến, vua đã bắt gặp và phải lòng cô lái đò, trạc tuổi đôi mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, hai má ửng hồng e thẹn.
Vua Thành Thái buông lời trêu ghẹo cô gái: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”. Không thể ngờ được người thanh niên trước mặt chính là vua của một nước, cộng thêm lúc đó có một vị quan khác qua đò, thúc cô: “Ni,O tê! O cứ nói “ưng” để coi thử nờ”, cô lái đò thuận miệng, đánh bạo, đáp “Ưng!”. Vua Thành Thái thấy vậy liền đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái dùng dằng, ông bảo: “Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho”.
Khi đến trước Kinh thành, vua chèo đò vào cập bến Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, truyền lệnh đưa tân Quý phi vào cung.
Bên cạnh đó, lại có nhiều người cho rằng, đây chỉ là một truyền thuyết, chứ thực chất , vua Thành Thái say mê một một người con gái đẹp xứ Kim Long. Và đó chính là Huyền phi Nguyễn Hữu Thị Nga, con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ.
Hôn nhân nội tộc
Chuyện kết hôn trong nội tộc làm ta liên tưởng đến chế độ hôn nhân bảo thủ, phản động thời Trần do lo sợ ngoại thích, nhưng ở triều Nguyễn, tình huống hi hữu này đã xảy ra dưới thời Thành Thái. Vua Thành Thái có hai thứ phi cũng là hai chị em ruột: bà Giai Triệu và bà Chí Lạc. Theo huyết thống thì ông phải gọi hai bà là cô. Hai bà có tên thật lần lượt là Công Tằng Tôn Nữ Nhàn và Công Tằng Tôn Nữ Mừng, là chắt nội của tiên đế Minh Mạng. Trong hoàng tộc, vị thế của hai bà sánh ngang với bên nam giới có chữ lót Ưng. Theo một số ghi chép, để hợp pháp hóa cuộc hôn nhân cô cháu này, hai bà phải đổi sang họ Hồ rồi cuối cùng là họ Nguyễn Công. Bia mộ của hai bà hiện nay ở An Lăng cũng được khắc với họ Nguyễn Công. Hai bà đã chung sống và tận tụy với Thành Thái suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion nên được cựu hoàng yêu mến.
Dù hậu cung không hùng hậu như Minh Mạng, nhưng chuyện các bà vợ của vua Thành Thái cũng thật nhiều giai thoại! Đó có thể là những cái kết bi ai của chốn hậu cung cay độc, cũng có thể là câu chuyện dân gian nhẹ nhàng và có hậu, đi vào lòng người bước qua thăng trầm lịch sử…
Theo lichsunuocvietnam.com