Sinh viên đi học xa nhà mà, tôi chẳng phải đã ăn hết những thứ gọi là đặc sản của Huế. Cái phương châm ăn uống bất di bất dịch của tôi là ngon, bổ, rẻ là ăn được tất. Mấy đứa bạn học ở nơi khác hễ gọi điện về là cứ trêu tôi: “Tỉnh mộng đi cưng. Trên đời này chẳng có gì ngon, bổ mà rẻ; ngon, rẻ mà bổ, hẳn nhiên là chẳng có gì ngon, rẻ mà bổ đâu em”. Tôi cười, tự nghĩ, ơ thế mà Huế có đấy, có nhiều là khác đấy!
Bánh lọc Huế (ảnh internet)
Giờ đây, nếu có ai hỏi tôi: “Vào Huế, món đầu tiên thích ăn nhất là gì?”, có lẽ tôi sẽ không biết trả lời như thế nào. Món mô cũng ngon, và hình như món mô của Huế cũng phải người Huế nấu mới ngon. Với Huế, món ăn đã trở thành văn hóa, và diệu kì thay, như người con gái giữ chồng, Huế giữ lòng người bằng những món ăn.
“Có thực mới vực được đạo” – đó là tiếng nói của cái dạ dày được ninh nhừ bởi “củi đói” nên sôi sùng sục, đó là cái ăn của bản năng, cái ăn để sinh tồn. Người Huế không những chỉ ăn để mà sống, mà dường như họ sống để mà ăn. Nói đúng hơn là người Huế thu gọn cả cuộc sống vào những món ăn của mình. Đó là mọi buồn vui sướng khổ, những đắng cay, ngọt bùi.
Ở trong xóm trọ chỉ toàn rặt là gái Huế, tôi đã từng phải bịt mũi lại khi ngửi thấy mùi xì dầu. Mà lạ thật, ngày nào mũi tôi cũng bị hành hạ bởi mùi của thứ gia vị đó thôi. Nào là cơm chiên xì dầu, rồi bí ngô chiên xì dầu, hay đơn giản nhất là bún khô, rau sống chan xì dầu. Như vị tướng đi đánh trận, muốn thắng phải “biết địch, biết ta”, tôi chạy sang phòng bé gái Huế bên cạnh khi khứu giác tôi mách bảo phải “sống chung với lũ”. Rồi… tôi nghiền. Tôi mê luôn cảm giác chấm rau lang luộc với xì dầu dầm ớt. Tôi cũng ăn chay như một cách tự nguyện “nhập gia tùy tục”.
Bún Huế (ảnh internet)
Ở chung với con gái Huế, tôi như được tham gia một khóa học trước khi gọi mẹ người ta là mẹ. Học cách ăn nói ý nhị, dịu dàng; học cách cười kể cả khi “bưa dễ sợ”; nhưng trên hết là học nấu ăn. Tôi thích vị ngọt của những nồi canh thơm phức mùi ruốc, dù trong nồi chỉ vẻn vẹn vài cọng rau tập tàng hay đó là “mùi ruốc thơm dậy lên tận óc” trong tô cơm hến. Tôi mê tít vị thơm lừng của sả trong nồi lẩu chay. Tôi đã từng thắc mắc tại sao người Huế ăn chay mà sả lại được trồng nhiều đến vậy. Bởi ở quê tôi sả chỉ để dùng để nấu … giả cầy. Hóa ra sả còn để nấu món chay! Mà “hắn ngon chi lạ”!
Song có lẽ cái mà tôi buộc phải thay đổi nhất khi muốn “ăn ngon” ở Huế đó chính là sở thích ăn đồ cay. Bún Huế dù là chay hay mặn, rồi cả cơm hến, bánh canh Huế cho đến nước chấm bánh lọc nếu không cay thì sẽ không đủ độ ngon khiến người ta xuýt xoa tiếc rẻ và nhớ thương khi xa Huế đến vậy. Món ăn Huế như một bản nhạc mà không cay sẽ lạc điệu vậy. Sẽ không là khiên cưỡng khi nói rằng trong bản giao hưởng của dàn hợp xướng gia vị mà người Huế sử dụng trong đại tiệc ẩm thực hàng ngày của mình, thì ớt luôn là nhạc trưởng. Ăn đến vã mồ hôi vì cay mới sướng và khi đã sướng thì “không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại”. Đấy, thế rồi tôi ăn cay, giữ chức vô địch trong nhà. Có bữa chiên rau muống thôi mà cũng khiến mẹ tôi trào nước mắt.
Huế của tôi là thành phố chẳng mấy màu mè, Huế tôi thương bình dị trong từng nhịp sống nhưng lạ kì thay lại màu mè trong từng món ăn, dù là bình dân nhất. Đó là cơm hến với đủ màu sắc của cơm, của hến xào khô với hành mỡ, tóp mỡ, da heo chiên phồng, rau thơm, dọc mùng, bắp chuối thái nhỏ, giá đỗ, lạc rang, mắm tôm, ớt bột…. Kể một mạch vậy mà không biết tôi có bỏ sót thứ gì không nữa. Rồi còn là màu của bánh cánh cua, hay chè huế đi bốn phương với thương hiệu “Chè cố đô” nữa. Kể bao nhiêu cho xiết món ngon xứ Huế khi mà tôi mới chỉ được ở Huế có hơn 1200 ngày. Chao ôi, răng mà nhớ, răng mà thèm cái vị Huế, thèm đến đứt tóc chứ chẳng phải vừa. Bữa ăn tôi nấu hôm nay chỉ là một nét vẽ tỉ mỉ của một đứa vẽ chẳng mấy đẹp về ẩm thực Huế, ước gì tôi có thể dang tay thu gọn cả bức tranh ấy về nhà. Chao ôi Huế, lòng đã neo đậu từ lâu!
Nguyễn Thị Ngọc Mai
trt.vn