Trong đêm khai mạc ngày hội, người xem thích thú với tiết mục độc tấu đàn gỗ của bà Hồ Thị Hương (55 tuổi), người Pa Hy đến từ bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Với chiếc đàn gỗ mộc mạc, đơn sơ, giai điệu ca khúc “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” vang lên những âm thanh trong trẻo. Ôm đàn, những ngón tay bà Hương tài tình gảy, giai điệu mang tính đặc trưng của cây đàn đã mang đến cho người nghe cảm giác lôi cuốn lạ thường. Mộc mạc và nguyên sơ như chốn núi rừng, tiếng đàn cổ của bà Hương xao xuyến tình người.
Bà Hồ Thị Hương gảy đàn tâm prảy |
Từ rất xưa, bà con Pa Hy đã dùng gỗ rừng, dây gấc chế tạo ra cây đàn nhỏ bé nhưng lại có âm thanh vang vọng đặc biệt. Cây đàn ấy người Pa Hy gọi là tâm prảy – loại đàn truyền thống của dân tộc Pa Hy. Tâm prảy được làm từ gỗ chò, có cấu tạo khá đơn giản. Thùng đàn nhỏ, có lỗ thông hơi. Dây đàn gồm 2 sợi dây gấc, 2 chốt chỉnh dây và 5 phím đàn. Mộc mạc đến nỗi, cây đàn của bà Hương không hề được sơn phết mà nguyên màu gỗ.
Sau khi biểu diễn, bà Hương đàn cho tôi nghe vài bài. Tùy từng tính chất âm nhạc của các bài bản, tiếng đàn của bà lúc lên bổng xuống trầm, khi tao nhã vui tươi, có khi êm dịu mùi mẫn, thi thoảng lại rộn rã, tạo nên phần sôi động cho bản độc tấu… Bà Hương hạnh phúc tiết lộ, cây đàn này do ông Trần Ngọc Thêm – chồng bà tự tay làm tặng.
Ngồi bên cạnh, ông Thêm kể, ông cũng không biết tâm prảy có từ bao giờ. Chỉ biết từ khi sinh ra, ông đã thấy bà con trong bản dùng nó trong những dịp hội làng và cả trong sinh hoạt thường nhật. Cũng không có ai dạy, ông Thêm quan sát cấu tạo cây đàn và biết cách chế tạo nó. Hồi trẻ, chàng trai Trần Ngọc Thêm khéo tay được nhiều cô gái nhờ làm đàn.
Vào những đêm trăng sáng, nam thanh, nữ tú ở Hạ Long vẫn ngồi gảytâm prảy cho nhau nghe và tâm tình qua tiếng đàn. Ông Thêm cho hay: “Thời xưa, đứa con gái, con trai mô ở bản Hạ Long cũng có đàn tâm prảy. Tâm prảy được trai gái trong bản dùng để hát giao duyên, bày tỏ nỗi lòng, tình ý. Con gái gảy tâm prảy, con trai thổi khèn. Có khi, con trai cũng dùng đàn tâm prảy”. Nhờ cây đàn này, nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng, trong đó có ông bà Trần Ngọc Thêm – Hồ Thị Hương. Những lần nghe bà Hương gảy tâm prảy, ông Thêm đã phải lòng tiếng đàn ấy lúc nào không hay. “Khi chúng tôi yêu nhau, mỗi khi hẹn hò ở đâu đó, tôi đều mang theo tâm prảy để gửi gắm tâm sự qua tiếng đàn”, bà Hương thẹn thùng kể.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đàn tâm prảy giúp người Pa Hy giải khuây giữa những lúc nghỉ chân khi đi tải đạn, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hồi ấy, trong chiếc gùi tiếp tế lương thực, tải đạn của bà Hương, ông Thêm luôn có cây đàn. Giữa chiến tranh ác liệt, tiếng tâm prảy trầm bổng đã làm dịu đi sức nóng của bom đạn, làm ấm lòng những chiến sĩ xa quê và động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội.
Bẵng một thời gian sau chiến tranh, ai ai cũng tập trung làm kinh tế, trong bản Hạ Long không còn vang tiếng đàn tâm prảy nữa. Về già, vợ chồng bà Hương và một số người già trong bản mới làm lại đàn để chơi những lúc rảnh rỗi và đệm cho thanh niên múa hát trong những dịp hội làng.
Đây là lần đầu tiên, đàn tâm prảy được biểu diễn giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Tâm prảy thuộc loại đàn cổ, chỉ được biểu diễn trong bản Hạ Long nên không mấy người biết đến. “Mới đây, khi tôi mang nó ra đệm đàn cho đội văn nghệ của bản tập dượt để tham dự ngày hội, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phong Điền thấy hay nên thêm vào chương trình tiết mục độc tấu đàn tâm prảy của tôi. Thế là, tâm prảy có duyên được giới thiệu đến đông đảo mọi người trong ngày hội”, bà Hương cho biết.
Bây giờ, ở bản Hạ Long không có mấy người biết làm và chơi đàn tâm prảy. Những người biết chơi tâm prảy cùng thế hệ vợ chồng bà Hương còn rất ít. Ông Thêm buồn bã: “Trong bản tôi, chỉ có người già mới biết chơi đàn tâm prảy. Lớp trẻ sau này hầu như không biết cây đàn này. Bọn trẻ chỉ thích âm nhạc hiện đại, ít người chịu học đàn dân tộc”. Bà Hương cho biết, tập đàn tâm prảy không khó. Ai mê nghề, chỉ một vài tuần là đàn được. Chỉ mong, lớp trẻ yêu thích nhạc cụ truyền thống của dân tộc để bà được truyền dạy.
Ông Thêm, bà Hương lo rằng, nếu không có biện pháp bảo tồn, một khi những người thuộc thế hệ ông bà mất đi, sẽ không còn ai biết chế tạo và chơi đàn tâm prảy. Nó cũng sẽ mai một theo thời gian như nhiều loại nhạc cụ khác của người Pa Hy. Ngoài đàn tâm prảy, dân tộc Pa Hy còn nhiều loại nhạc cụ, dân nhạc, dân vũ khác nữa cần được khôi phục, bảo tồn, như 2 loại đàn môi Tirel và Arèng, đàn Abel, đàn Un Craor… Ông Thêm day dứt: “Nhiều loại nhạc cụ đã thất truyền cùng với lớp người trước mà tôi và những người cao tuổi khác không rành nên không phục hồi lại được”.